Theo Điều 7 Luật hộ tịch năm 2014 thì, thẩm quyền hộ tịch được xác định như sau:

  1. Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký hộ tịch trong các trường hợp sau:
    1. Đăng ký sự kiện hộ tịch quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 3 của Luật hộ tịch năm 2014 cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước. Cụ thể là, đối với các trường hợp đăng ký: Khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con và khai tử.
    2. Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung thông tin hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
    3. Thực hiện các việc hộ tịch theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 3 của Luật hộ tịch năm 2014. Đó là các việc: Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như: thay đổi quốc tịch; xác định cha, mẹ, con; xác định lại giới tính, nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi; ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn; công nhận giám hộ; tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết hoặc bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.
    4. Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam; khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam.
  2. Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký hộ tịch trong các trường hợp sau (trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Luật hộ tịch năm 2014):
    1. Đăng ký sự kiện hộ tịch: khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch và khai tử khi có yếu tố nước ngoài.
    2. Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc.
    3. Thực hiện các việc hộ tịch sau: khai sinh, kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ, nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan thẩm quyền của nước ngoài.
  3. Cơ quan đại diện đăng ký các việc hộ tịch quy định tại Điều 3 của Luật hộ tịch năm 2014 cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài.
  4. Chính phủ quy định thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn, nhận cha, mẹ, con, khai tử quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Luật hộ tịch năm 2014.