Đăng ký khai sinh trước hết là một quyền quan trọng của trẻ em. Khoản 1 Điều 11 Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: “Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch”. Điều 7 Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (được đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20-11-1989) ghi nhận: Trẻ em phải được đăng ký ngay lập tức sau sinh ra. Sở dĩ pháp luật của Nhà nước ta cũng như Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em đặc biệt quan tâm đến quyền đăng ký khai sinh của trẻ em như vậy là vì chỉ trên cơ sở và bắt đầu từ việc đăng ký khai sinh, các quyền cơ bản khác của trẻ em mới được thực hiện. Ví dụ: quyền được có họ, tên, có quốc tịch; quyền được biết cha, mẹ mình là ai và được chính cha mẹ mình chăm sóc nuôi dưỡng. Ngoài ra đăng ký khai sinh cũng là thủ tục cần thiết để trẻ em được hưởng các quyền về chăm sóc sức khỏe ban đầu, quyền về giáo dục…
Đăng ký khai sinh có ý nghĩa quan trọng không chỉ riêng đối với trẻ em mà còn đối với bất kỳ cá nhân nào dù đã trưởng thành. Bởi vì nếu không đăng ký khai sinh thì nói chung không có cơ sở pháp lý để phân biệt người (cá nhân) này với người khác với các yếu tố để xác định tình trạng nhân thân của mõi cá nhân như: họ tê, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, dân tộc, quốc tịch… Do vậy, Điều 29 Bộ luật dân dự năm 2005 quy định: “Cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh”.
Đăng ký khai sinh cũng có ý nghĩa quan trọng đầu tiên trong đăng ký và quản lý hộ tịch nói chung. Bởi vì, nếu không đăng ký khai sinh thì các hoạt động đăng ký hộ tịch tiếp theo trong cuộc đời mỗi con người như: đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi (nếu có), đăng ký giám hộ (nếu có), đăng ký tử… sẽ không thực hiện được.
Cuối cùng, xét theo góc độ quản lý nhà nước, đăng ký khai sinh là phương tiện để Nhà nước nắm được từng người dân trong toàn bộ dân cư của mình. Các số liệu về khai sinh cũng có ý nghĩa rất quan trọng về quản lý y tế, quản lý dân số và kế hoạch hóa gia đình, v.v…