Các sự kiện hộ tịch như đã nêu ở trên là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết. Tình trạng nhân thân đó được thể hiện bởi các yếu tố và các mối quan hệ như: họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, dân tộc, quốc tịch, quan hệ cha – con, mẹ – con, ông – cháu, bà – cháu, anh , chị, em, quan hệ vợ – chồng… Vì vậy, việc đăng ký và quản lý hộ tịch có ý nghĩa rất quan trọng xét theo hai phương diện chủ yếu sau đây:

  • Phương diện bảo hộ các quyền nhân thân của cá nhân:
    • Đăng ký hộ tịch thẻ hiện sự xác nhận của Nhà nước đối với sự kiện hộ tịch, trên cơ sở đó nhà nước có trách nhiệm bảo hộ các quan hệ của công dân. Theo đó, giấy tờ hộ tịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân theo quy định của pháp luật về hộ tịch là căn cứ xác nhận sự kiện hộ tịch của cá nhân đó.
      • Ví dụ: việc kết hôn giữa hai người nếu đã được đăng ký tại cơ quan hộ tịch có thẩm quyền thì họ được Nhà nước công nhận là vợ-chồng, quan hệ hôn nhân và quan hệ gia đình của họ được Nhà nước bảo hộ. Mọi hành vi xâm phạm đến quan hệ hôn nhân và gia đình này sẽ được Nhà nước xử lý theo  quy định của pháp luật.
    • Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó. Giấy tờ hộ tịch do Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam) cấp có giá trị như giấy tờ hộ tịch được cấp ở trong nước.
  • Với ý nghĩa như vậy, phù hợp với mục đích đã đặt ra , pháp luật đã xác định: cá nhân có quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch (Điều 6 Luật hộ tịch năm 2014). Theo đó xác định:
    • Công dân Việt Nam, người không có quốc tịch tịch tại Việt Nam có quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch. Quy định này cũng được áp dụng đối với công dân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
    • Trường hợp kết hôn, nhận cha, mẹ, con thì các bên phải trực tiếp thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Đối với việc đăng ký hộ tịch khác hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thì người có yêu cầu trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện. Việc ủy quyền sẽ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết.
    • Người chưa thành niên, người đã mất năng lực hành vi dân sự yêu cầu đăng ký hộ tịch hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thông qua người đại diện theo pháp luật.
    • Đăng ký hộ tịch là cơ sở pháp lý để Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và thực hiện quản lý dân cư đồng thời phục vụ cho các hoạt động quản lý trong các lĩnh vực quan trọng khác như: an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, giáo dục, y tế, dân số-kế hoạch hóa gia đình… Các số liệu thống kê về hộ tịch là rất cần thiết cho hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạch định chính sách kinh tế-xã hội, v.v…
  • Với ý nghĩa như vậy, việc đăng ký hộ tịch phải đảm bảo nguyên tắc (Điều 5 Luật hộ tịch năm 2014):
    • Tôn trọng và bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân.
    • Mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân phải được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác; trường hợp không đủ điều kiện đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối bằng văn bản và nêu rõ lý do.
    • Đối với những việc hộ tịch mà Luật hộ tịch năm 2014 không quy định thời hạn giải quyết thì được giải quyết ngay trong ngày; trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.
    • Mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định của Luật hộ tịch năm 2014.Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Trường hợp cá nhân không đăng ký tại nơi thường trú thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký hộ tịch cho cá nhân có trách nhiệm thông báo việc đăng ký hộ tịch đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân đó thường trú.
    • Mọi sự kiện hộ tịch sau khi đăng ký vào Sổ hộ tịch phải được cập nhật kịp thời, đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
    • Nội dung khai sinh, kết hôn, ly hôn, khai tử, thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại giới tính, xác định lại dân tộc của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch là thông tin đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
    • Bảo đảm công khai, minh bạch thủ tục đăng ký hộ tịch.