Khi quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng rơi vào mâu thuẫn trầm trọng, không thể hàn gắn được thì ly hôn chính là lối thoát mở đường cho cả hai. Khi ly hôn cần phải nắm rõ các trình tự, thủ tục ly hôn để việc ly hôn diễn ra một cách suôn sẻ, thuận tiện cho các bên. Thủ tục ly hôn bao gồm: Thủ tục ly hôn thuận tình và thủ tục ly hôn đơn phương.

I. Ly hôn thuận tình

Ly hôn thuận tình là việc cả vợ và chồng đều đồng thuận ký vào Đơn xin ly hôn để yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn.

Trình tự, thủ tục ly hôn thuận tình được diễn ra như sau:

Vợ và chồng tự nguyện ly hôn và ký vào Đơn xin ly hôn. Sau đó nộp Đơn xin ly hôn và các hồ sơ, giấy tờ cần thiết (CMND, Hộ khẩu,...) kèm theo  tại Toà án có thẩm quyền thụ lý vụ án;

Toà án có thẩm quyền thụ lý trong trường hợp này là Toà án tại nơi cư trú hoặc làm việc của vợ hoặc chồng.

Sau khi nhận được Đơn xin ly hôn và các hồ sơ, giấy tờ cần thiết trên, trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, Toà án sẽ kiểm tra Đơn và có thông báo đóng tạm ứng án phí cho các bên;

Khi nhận được thông báo tạm ứng án phí, các bên sẽ thực hiện việc đóng tạm ứng tại Chi cục thi hành án nơi cư trú hoặc làm việc của các bên và nộp lại biên lai cho Toà án. Sau đó Toà án sẽ tiến hành thụ lý vụ án; 

Sau khi thụ lý vụ án, trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc Toà án tiến hành mở phiên hòa giải để các bên thoả thuận với nhau về việc thay đổi hoặc không thay đổi quyết định ly hôn;

Trường hợp hoà giải thành thì trong thời hạn bảy (07) ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải, mà cả vợ và chồng không có quyết định thay đổi ý kiến về sự thoả thuận thì Toà án sẽ có Quyết định công nhận sự thoả thuận của các bên. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định, Toà án sẽ gửi Quyết định đó cho vợ và chồng.

Trường hợp hoà giải không thành thì Toà án sẽ lập biên bản về việc đồng thuận ly hôn và hòa giải không thành. 

Kể từ ngày lặp biên bản và hai vợ chồng không có yêu cầu gỉải quyết các vấn đề về con chung, tài sản chung, nợ chung thì trong thời hạn mười lăm (15) ngày Tòa án sẽ ra quyết định công nhận ly hôn mà không phải mở phiên tòa; 

Quyết định công nhận đồng thuận ly hôn sẽ có hiệu lực pháp luật ngay mà các Bên sẽ không có quyền kháng cáo, Viện Kiểm sát không có quyền kháng nghị. 

Trường hợp bai bên vợ và chồng không thoả thuận được về các vấn đề con chung, tài sản và nghĩa vụ chung thì Toà án sẽ tiến hành mở phiên toà xét xử để giải quyết. 

II. Ly hôn đơn phương

Ly hôn đơn phương là việc vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn mà Toà án tiến hành hoà giải nhưng không thành thì Toá án sẽ có quyết định giải quyết cho ly hôn khi xét thấy vợ chồng có mâu thuẫn gay gắt, đời sống hôn nhân không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Trình tự, thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương được thực hiện như sau:

1. Giai đoạn thụ lý vụ án:

Trước khi nộp Đơn xin ly hôn, vợ hoặc chồng là người muốn ly hôn phải có Đơn xin xác nhận nơi cư trú hoặc làm việc của bị đơn tại Cơ quan công an nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc;

Sau khi có xác nhận của Cơ quan Công an về nơi cư tú hoặc làm việc của bị đơn, nguyên đơn sẽ tiến hành nộp Đơn xin ly hôn lên Toà án có thẩm quyền;

Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ khi nhận được Đơn xin ly hôn và các hồ sơ, giấy tờ cần thiết của nguyên đơn, Toà án sẽ có thông báo đóng tạm ứng án phí cho bên nguyên đơn.

Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, Nguyên đơn phải đóng tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án nơi cư trú hoặc làm việc của bị đơn, sau đó nộp biên lai đóng tạm ứng cho Toà án để Toà thụ lý vụ án;

Sau khi thụ lý vụ án, trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, Toà án sẽ gửi thông báo đến các đương sự về việc thụ lý vụ án;

2. Giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi thụ lý vụ án, Tòa án sẽ tiến hành mở phiên họp hòa giải;

Trường hợp có tranh chấp về con chung của hai vợ chồng, Toá án sẽ tiến hành các thủ tục để lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ bảy tuổi trở lên;

Đối với trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Sau khi hoà giải Toà án sẽ ra quyết định về công nhận sự thỏa thuận của các bên hoặc đưa vụ án ra xét xử:

Sau khi lập biên bản hoà giải thành thì trong thời hạn bảy (07) ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải, Toà án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;

Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án gửi quyết định đó cho các đương sự;

3. Giai đoạn xét xử

  • Sau khi hoà giải không thành Toà án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử;

  • Trong thời hạn một (01) tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án giải quyết ly hôn đối với hai bên:

  • Toà án tiến hành triệu tập hợp lệ đương sự lần thứ nhất, nếu vắng mặt thì phiên toà sẽ hoãn lại;

  • Toà án tiến hành triệu tập hợp lệ lần hai, nếu nguyên đơn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện; nếu bị đơn vắng mặt, Toà án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn;

  • Sau mười lăm (15) ngày kể từ ngày xét xử, nếu không có trường hợp kháng cáo, kháng nghị nào đưa ra, Bản án, Quyết định của Toà sẽ có hiệu lực thi hành.

  • Trường hợp có kháng cáo của các bên hay kháng nghị của Toà án thì sau thời hạn mười (10) ngày, kể từ ngày nhận được kháng cáo, kháng nghị, Toà án sẽ tiến hành xem xét kháng cáo;

  • Sau khi xem xét kháng cáo, kháng nghị hợp lệ, Toà án sẽ tiến hành thủ tục xét xử phúc thẩm.

Trên đây là trình tự, thủ tục để Toà án giải quyết ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương. Việc giải quyết ly hôn nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào các tình tiết của vụ án đơn giản hay phức tạp, mức độ hợp tác của các nguyên đơn và bị đơn, tình trạng của tài sản chung, các nghĩa vụ chung,...

Nếu bạn cần tư vấn, hãy liên hệ với Luật Vạn Tín.

HOTLINE:  028 73096558

ZALO: 0938086558

FACEBOOK: LuatVanTin