Theo Điều 21 Luật hộ tịch năm 2014 thì, thủ tục đăng ký giám hộ đương nhiên được quy định như sau:

  1. Người yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định và chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.
    • Người giám hộ đương nhiên đối với người chưa thành niên ở vào các hoàn cảnh đặc biệt được quy định tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật dân sự năm 2005 là anh cả hoặc chị cả đã thành niên đủ điều kiện phải là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ, thì anh chị tiếp theo đã thành niên có đủ điều kiện phải là người giám hộ. Trong trường hợp không có anh, chị, em ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại có đủ điều kiện phải là người giám hộ.
    • Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình trong trường hợp còn cha, mẹ mafcha mẹ hoặc cha hoặc mẹ là người giám hộ đương nhiên.
    • Người giám hộ đương nhiên của người vợ bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình là người chồng nếu như người chồng đó có đủ điều kiện là người giám hộ. Ngược lại, trong trường hợp người chồng bị mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì vợ có đủ điều kiện phải là người giám hộ (khoản 1 Điều 62 Bộ luật dân sự năm 2005).
    • Người giám hộ đương nhiên trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, thì người con cả đã thành niên có đủ điều kiện phải là người giám hộ, nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo đã thành niên có đủ điều kiện phải là người giám hộ.
    • Ở đây, tất cả những người giám hộ đương nhiên đều là những người có quan hệ ruột thịt, quan hệ vợ chồng vơi người giám hộ. Người giám hộ đương nhiên là người đã được pháp luật quy định trước, xác định đích danh. Do vậy, pháp luật không yêu cầu việc giám hộ đương nhiên phải được lập thành văn bản, nhưng người giám hộ đương nhiên vẫn phải đến đăng ký việc giám hộ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, vì các lý do đã nêu ở trên. Chỉ trong trường hợp giữa những người cùng có thể làm người giám hộ đương nhiên có sự thỏa thuận về việc cử một người trong số họ làm giám hộ, thì việc thỏa thuận này phải được lập thành văn bản và phải xuất trình bản thỏa thuận này khi làm thủ tục đăng ký giám hộ.
  2. Trình tự đăng ký giám hộ đương nhiên được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật hộ tịch năm 2014.