Theo quy định tại các Điều 32, 33 và 34 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch thì việc nhận cha, mẹ, con được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con, nếu bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha, mẹ, con và việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp.

Người nhận cha, mẹ, con phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Kèm theo tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây: giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con; các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có).

Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì UBND cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

Với các quy định nói trên, nếu vợ chồng chị gái của chị và cha đẻ cháu bé đều thống nhất với việc chị nhận lại con đẻ, để cha mẹ đẻ đứng tên trên Giấy khai sinh của cháu bé thì thủ tục nhận con sẽ được thực hiện tại UBND xã, phường nơi cư trú của chị và cháu bé theo hướng dẫn ở trên.