Trả lời công văn số 21052/CT-QLAC ngày 22/8/2011 của Cục Thuế thành phố Hà Nội, công văn số 30959/CT-QLAC ngày 9/12/2011 về việc sử dụng bút mực đỏ để thẩm hạch lại trên hóa đơn GTGT (hóa đơn gửi hàng) của Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Tại Điều 28, Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 quy định:
- “Điều 28. Sửa chữa sổ kế toán
- 1. Khi phát hiện sổ kế toán ghi bằng tay có sai sót thì không được tẩy xóa làm mất dấu vết thông tin, số liệu ghi sai mà phải sửa chữa theo một trong ba phương pháp sau:
- a) Ghi cải chính bằng cách gạch một đường thẳng vào chỗ sai và ghi số hoặc chữ đúng ở phía trên và phải có chữ ký của kế toán trưởng bên cạnh;
- b) Ghi số âm bằng cách ghi lại số sai bằng mực đỏ hoặc ghi lại số sai trong dấu ngoặc đơn, sau đó ghi lại số đúng và phải có chữ ký của kế toán trưởng bên cạnh;
- c) Ghi bổ sung bằng cách lập “chứng từ ghi sổ bổ sung” và ghi thêm số chênh lệch thiếu cho đủ.”
- Tại điểm b, khoản 1, Điều 14 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2011 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:
- “Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có).”
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp cụ thể nêu tại công văn số 1592/KHN-TCKT ngày 7/10/2011 của Công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội đính kèm theo hồ sơ của Cục Thuế thành phố Hà Nội: Công ty vận tải hành khách đường sắt đã dùng bút đỏ để thẩm hạch 26 hóa đơn gửi hàng (hóa đơn Liên 2 được lập trong tháng 4 và tháng 5/2011, ký hiệu hóa đơn: AA/2009T, phát hành theo văn bản số 3510 TCT/AC ngày 13/10/1998 của Tổng cục Thuế, từ số 5590 đến số 5602, số 5611 đến 5617, số 5620 đến số 5622 và các số 5626, 5627, 5630) để thể hiện số thu đúng và số tiền thừa trả lại khách hàng là Công ty cổ phần xi măng Đỉnh Cao thì được chấp nhận. Công ty vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung phản ánh trên hóa đơn trong quá trình ghi chép thẩm hạch.
Căn cứ hóa đơn đã điều chỉnh (thẩm hạch) bằng bút đỏ ghi số đúng, Công ty vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần xi măng Đỉnh Cao (khách hàng) thực hiện kê khai, khấu trừ thuế theo quy định (Công ty cổ phần xi măng Đỉnh cao chỉ được kê khai khấu trừ thuế và tính vào chi phí theo số liệu trên hóa đơn thể hiện số thu đúng, không bao gồm tiền thừa trả lại khách hàng.)
Đối với các hóa đơn tính thừa khác, Công ty phải thực hiện theo đúng quy định tại tiết b, khoản 1, Điều 14 và khoản 3, Điều 18, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 153/2010/TT-BTC.
Tổng cục Thuế trả lời Cục Thuế được biết và giải quyết cụ thể.