I. Quy định về tạm ngừng kinh doanh
Tạm ngưng kinh doanh là việc doanh nghiệp tạm thời không thực hiện được những hoạt động kinh doanh trong khoảng thời gian theo quy định.
Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp không được ký kết hợp đồng; không được xuất hóa đơn hay có bất kỳ hoạt động nào khác. Sau khi hết thời hạn doanh nghiệp phải hoạt động trở lại nếu không giải thể, chuyển nhượng.
Thời hạn tạm ngưng kinh doanh đối với doanh nghiệp không quá 1 năm. Khi hết thời hạn nếu muốn tạm ngừng kinh doanh tiếp thì phải làm thủ tục thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh.
II. Ai có quyền quyết định tạm ngừng kinh doanh Công ty
- Chủ sở hữu công ty có quyền quyết định tạm ngừng kinh doanh đối với công ty TNHH 1 thành viên
- Hội đồng thành viên có quyền quyết định tạm ngừng kinh doanh đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên.
- Hội đồng quản trị có quyền quyết định tạm ngừng kinh doanh đối với công ty cổ phần
- Các thành viên hợp danh có quyền quyết định tạm ngừng kinh doanh đối với công ty hợp danh.
III. Thủ tục tạm ngừng kinh doanh Công ty
Bước 1: Soạn hồ sơ tạm ngừng kinh doanh
Bước 2: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh
Bước 3: Sở kế hoạch và Đầu tư tiến hành thẩm tra và thông báo kết quả tạm ngừng kinh doanh
Bước 4: Doanh nghiệp nhận giấy xác nhận do Sở Kế hoạch Đầu tư cấp
IV. Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh Công ty
- Thông báo tạm ngừng kinh doanh;
- Biên bản họp hội đồng quản trị/hội đồng thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh đối với công ty cổ phần/công ty TNHH hai thành viên trở lên;
- Quyết định về việc tạm ngừng kinh doanh;
- Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ;
- Đăng công bố thông tin bất thường: Công ty phải công bố trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm (nếu có) và niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh của công ty về các thông tin bất thường trong thời hạn 36 giờ kể từ khi tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh
V. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh Công ty
Thời hạn tạm ngừng kinh doanh ghi trong thông báo không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.
VI. Lệ phí tạm ngừng kinh doanh Công ty
Đăng ký giải thể doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh; chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
VII. Nơi nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh Công ty
Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Cách 2: Nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh qua mạng
Bước 1: Đăng ký tài khoản tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
Bước 2: Nhập thông tin hồ sơ đầy đủ vào hệ thống đăng ký kinh doanh;
Bước 3: Scan và đính kèm file hồ sơ lên hệ thống;
Bước 4: Xác nhận và nộp hồ sơ.
VIII. Các công việc cần làm sau khi tạm ngừng kinh doanh Công ty
- Kê khai thuế giá trị gia tăng của tháng trước khi tạm ngừng kinh doanh ( trường hợp doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo tháng). Kê khai thuế giá trị gia tăng của Quý trước khi tạm ngừng kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo quý).
- Kê khai báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của quý trước khi tạm ngừng kinh doanh
- Thông báo cho khách hàng, đối tác về việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.
- Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ trả các khoản nợ, trừ trường hợp doanh nghiệp và chủ nợ có thỏa thuận khác.
- Lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp,báo cáo quyết toán thuế thuế thu nhập cá nhân của năm trước tạm ngừng kinh doanh.
- Đóng thuế môn bài của năm hiện hành ( năm nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh) trong trường hợp doanh nghiệp chưa nộp thuế môn bài của năm hiện hành.
IX. Các vấn đề cần lưu ý khác khi tạm ngừng kinh doanh Công ty
- Doanh nghiệp có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì khi doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh daonh, phòng đăng ký kinh doanh sẽ chuyển đổi tình trạng pháp lý các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh như đơn vị chủ quản.
- Hóa đơn giá trị gia tăng: doanh nghiệp trong thời hạn tạm ngừng kinh doanh thì không được phép thực hiện bất kỳ giao dịch mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nào. Do vậy doanh nghiệp không được xuất hóa đơn giá trị gia tăng trong thời gian này.
- Mức thu lệ phí môn bài: Doanh nghiệp có văn bản tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh thì sẽ không sẽ không phải nộp lệ phí môn bài của năm dương lịch tạm ngừng kinh doanh đó. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp không thực hiện theo điều kiện trên thì sẽ nộp lệ phí môn bài cho cả năm.
- Nguyên tắc khai thuế, tính thuế (Theo quy định khoản 1 Điều 10 thông tư 156/2013/TT-BTC)
- Đối với loại thuế khai theo tháng, quý, tạm tính theo quý hoặc năm, nếu trong kỳ tính thuế không phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc người nộp thuế đang thuộc diện được hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế thì người nộp thuế thì không phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế.
- Đối với loại thuế khai theo tháng hoặc khai theo quý, kỳ tính thuế đầu tiên được tính từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh đến ngày cuối cùng của tháng hoặc quý, kỳ tính thuế cuối cùng được tính từ ngày đầu tiên của tháng hoặc quý đến ngày kết thúc hoạt động kinh doanh. Kỳ tính thuế năm của thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tài nguyên được tính theo năm dương lịch hoặc năm tài chính của người nộp thuế. Kỳ tính thuế năm của các loại thuế khác là năm dương lịch.