I. Lương tháng 13 là gì?
Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa thế nào là “lương tháng 13”, tuy nhiên ở một số văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước cũng đã đề cập đến.
Như vậy, lương tháng 13 là tên gọi do người lao động và doanh nghiệp tự đặt, bản chất nó là khoản thưởng theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019.
II. Doanh nghiệp có bắt buộc trả lương tháng 13 không?
Hiện nay, không có một quy định nào bắt buộc tất cả doanh nghiệp phải trả lương tháng 13 (thưởng Tết) cho người lao động. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 thì doanh nghiệp phải trả lương tháng 13 (thưởng tết) cho người lao động khi đáp ứng đủ cả 02 điều kiện sau đây:
- Doanh nghiệp đã ban hành quy chế thưởng hợp pháp, đã công bố công khai quy chế thưởng tại nơi làm việc;
- Người lao động đã đáp ứng đủ các điều kiện thưởng Tết trong quy chế thưởng đã được công bố đó.
III. Doanh nghiệp không trả lương tháng 13 cho người lao động bị xử lý thế nào?
Nếu doanh nghiệp thuộc trường hợp bắt buộc phải trả lương tháng 13 (thưởng Tết) cho người lao động như đã phân tích tại mục (2) nhưng doanh nghiệp không thưởng thì pháp luật cũng không có bất kỳ chế tài xử phạt nào.
Hiện nay, pháp luật về lao động chỉ quy định 02 hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính liên quan đến thưởng, cụ thể tại điểm a, e khoản 1 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Không công bố công khai tại nơi làm việc quy chế thưởng;
- Không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng quy chế thưởng.
Lưu ý: Đây là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
IV. Lương tháng 13 có phải đóng BHXH không?
Khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Điều 89. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
...
2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Như vậy, lương tháng 13 (thưởng Tết) không phải đóng BHXH.
V. Lương tháng 13 có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Theo điểm e, khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, lương tháng 13 (thưởng Tết) của người lao động là thu nhập chịu thuế.
Tuy nhiên, nếu khoản thưởng Tết sau khi đã trừ đi các khoản giảm trừ (như: khoản giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học,…) mà vẫn còn thì mới phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
VI. Cách tính lương tháng 13
Lao động đáp ứng đủ các điều kiện để hưởng lương thứ 13 sẽ được tính vào số tháng làm việc trong năm:
Người lao động làm đủ 12 tháng sẽ được hưởng tháng thứ 13 tính bằng bình quân của 12 tháng lương trong năm tính thưởng.
Khi người lao động đã làm việc đủ 12 tháng/năm:
Công thức: Lương tháng 13 = Lương trung bình 12 tháng
Người lao động chưa làm đủ 12 tháng sẽ được hưởng lương tháng 13 theo tỷ lệ số tháng làm việc trong 1 năm, cụ thể:
Khi người lao động chưa làm đủ 12 tháng/năm:
Công thức: Lương tháng 13 = (Thời gian làm việc thực tế / 12) x Lương trung bình