Theo quy định tại Điều 58 Bộ luật dân sự năm 2005 thì: “Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người giám hộ)”

Như vậy chế định “giám hộ” thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước và xã hội đối với những người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; đề cao trách nhiệm đối với nhau giữa những người thân thích trong gia đình, khuyến khích và phát huy truyền thống tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng xã hội.

Theo khoảng 2 Điều 58 Bộ luật dân sự năm 2005 thì, người được giám hộ bao gồm:

  1. Người chưa thành niên ở trong các hoàn cảnh sau đây:
    • Cha mẹ đều đã chết.
    • Không xác định được cha mẹ.
    • Cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
    • Cha và mẹ đều bị Tòa án ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ.
    • Tuy còn cha và mẹ, nhưng cha và mẹ đều không có điều kiện thực tế để thực hiện việc chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên (ví dụ: cha, mẹ đi công tác xa lâu ngày, cha mẹ đều đang chấp hành án phạt tù…) và cha mẹ có yêu cầu cử người giám hộ cho con chưa thành niên.
  2. Người mất năng lực hành vi dân sự được hiểu la người bị bệnh tâm thần hoặc  mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình.

Ngoài ra, theo tinh thần của khoản 3 Điều 58 Bộ luật dân sự năm 2005 thì, người chưa đủ mười lăm tuổi mà không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì phải có người giám hộ.

Đối với người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi cũng ở vào một trong các hoàn cảnh như nêu ở trên có thể là người được giám họ. Nghĩa là ở lứa tuổi này, Bộ luật dân sự không quy định bắt buộc phải có người giám hộ. Ở độ tuổi từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi thì chưa thành niên chưa phải là phát triển đầy đủ và toàn diện về trí tuệ. Tuy vậy, họ đã có trình độ nhận thức và hiểu biết nhất định về cuộc sống, hơn nữa pháp luật lao động cho phép những người chưa thành niên ở độ tuổi này có thể tự tham gia các hợp đồng lao động và họ có thể có thu nhập lao động của bản thân tạo ra. Do vậy, Bộ luật dân sự không quy định người chưa thành niên ở độ tuổi này bắt buộc phải có người giám hộ như đối với trẻ em dưới 15 tuổi, nhưng Nhà nước khuyến khích các tổ chức xã hộ và cá nhân, đặc biệt là những người thân thích trong gia đình tự nguyện làm người giám hộ cho người chưa thành niên nói trên. Quy định này cũng phù hợp với thực tế, vì hiện nay, Nhà nước và xã hội chưa có điều kiện để thực hiện chế độ giám hộ bắt buộc đối với người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi