Làm thế nào để đặt tên Công ty như mong muốn mà vẫn phù hợp với pháp luật

Tên Doanh nghiệp, tên Công ty là tên riêng của Doanh nghiệp được thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp và được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp đó. Tên doanh nghiệp là yếu tố để phân biệt các doanh nghiệp với nhau trong hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra Tên Doanh nghiệp đôi khi có thể là tất cả sự khác biệt và tạo nên thành công, thương hiệu cho Doanh nghiệp chứ không đơn giản chỉ là cái tên xuất hiện trên các văn bản pháp lý.

Một câu hỏi đặt ra là Tên Doanh nghiệp có phải là tên thương hiệu?

Tên doanh nghiệp có thể là tên thương hiệu. Nhưng một tên thương hiệu không nhất định là một tên doanh nghiệp. 

Để giúp các bạn có thể đặt được tên doanh nghiệp như mong muốn đồng thời phù hợp với quy định của pháp luật, Luật Vạn Tín chia sẽ cách đặt tên Doanh nghiệp như sau:

Cấu thành tên Doanh nghiệp : Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây: LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP + TÊN RIÊNG

  • Loại hình doanh nghiệp: Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.;

  • Tên riêng: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

Đối với loại hình công ty TNHH Một Thành viên và loại hình TNHH từ Hai thành viên trở lên, nhiều khách hàng thắc mắc có phải thêm vào tên là CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN hoặc CÔNG TY TNHH HAI THÀNH VIÊN hay không? Việc ghi như vậy, chỉ bắt buộc khi  thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, còn trong các giấy tờ giao dịch của Công ty, khách hàng chỉ cần ghi tên doanh nghiệp theo cấu thành trên ví dụ như : CÔNG TY TNHH ABC

Những điều cấm khi đặt tên Doanh nghiệp

Tại quy định điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định 03 điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp như sau :

Thứ nhất Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại điều 41 của Luật này.

Theo quy định này, việc xét tên trùng hoặc gây nhầm lẫn tên không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà Khách hàng dự định đăng ký. Cho dù loại hình doanh nghiệp là khác nhau, nhưng về tên riêng là giống nhau, thì vẫn bị coi là trùng tên hoặc tên gây nhầm lẫn. Trong trường hợp này, các bạn có thể thêm trước tên riêng những cụm từ như: Sản xuất, Đầu tư, Thương mại, dịch vụ, xây dựng, bất động sản, thiết kế, in ấn,... tùy theo ngành nghề của doanh nghiệp mà doanh nghiệp có thể thêm những cụm từ trên vào tên doanh nghiệp. Việc bổ sung vào tên doanh nghiệp như vậy vừa giúp giữ lại tên như ý định ban đầu và khách hàng, đối tác của bạn có thể nhận ra ngay những ngành nghề kinh doanh của Doanh nghiệp.

Các trường hợp được xem là nhầm lẫn theo quy định tại khoản 2 điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020: 

a. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;

Vd : Công ty TNHH Mỹ Linh 

     Công ty TNHH Mỹ Lynh

b. Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

Vd : Công ty CP Minh An – Viết tắt : Công ty MA

     Công ty CP Minh Anh - Viết tắt : Công ty MA

c. Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

Vd : Công ty TNHH Việt Trì – Viet Tri company limited

     Công ty TNHH Viết Trí– Viet Tri company limited

d. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;

Vd: Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển ABC

      Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển ABC 01

e. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”;

Vd: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nam An

     Công ty TNHH Sản xuất -Thương Mại & Dịch Vụ Nam An

f. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

Vd: Công ty CP Việt Hàn

    Công ty CP Tân Việt Hàn

   Công ty CP Việt Hàn Mới

g. Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký

   Vd: Công ty CP Bình Minh

    Công ty TNHH Bình Minh

h. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.

Vd: Công ty TNHH Niềm Tin

     Công ty TNHH Niềm Tin Miền Đông

Thứ hai,  Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

Thứ ba, Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Kiểm tra tên Doanh nghiệp đã được đăng ký hay chưa?

Để kiểm tra xem tên Doanh nghiệp mà các bạn dự định đặt có bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với Doanh nghiệp khác, đăng nhập vào Website của Sở Kế Hoạch Đầu tư để tra cứu: https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn

Địa điểm gắn tên doanh nghiệp

  • Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Ngoài ra, tên doanh nghiệp phải được ghi trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

(Theo Điều 23, 28, Khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020)

Có thể đặt tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh

  • Cụ thể, tên doanh nghiệp tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
  • Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Như vậy, chủ doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý những hệ thống ngôn ngữ khác không phải hệ chữ La-tinh sẽ không được chấp nhận để đặt tên cho doanh nghiệp (ví dụ hệ chữ viết mang tính tượng hình tượng thanh như Kana của Nhật, chữ Hán, chữ Ả Rập...sẽ không được chấp nhận). 

(Theo Khoản 1, 2 Điều 39).

Tên viết tắt của doanh nghiệp phải được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài (theo Khoản 3 Điều 39)

Tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh

  • Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
  • Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.

(Theo Khoản 1, 2 Điều 40).

Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp nếu vi phạm các quy định nêu trên.