Khi tham gia ký kết hợp đồng xây dựng, các bên tham gia được phép dự liệu các tình huống được tạm dừng thực hiện công việc trong hợp đồng, quyền được tạm dừng; trình tự, thủ tục tạm dừng, mức đền bù thiệt hại do tạm dừng phải được bên giao thầu và bên nhận thầu thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng.
Khoản 1 Điều 145 Luật xây dựng năm 2014 quy định rõ: Các bên hợp đồng có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng trong trường hợp sau:
- Bên giao thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên nhận thầu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động và tiến độ theo hợp đồng đã ký kết.
- Bên nhận thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên giao thầu vi phạm các thỏa thuận về thanh toán.
Khoản 4 Điều 145 nêu trên yêu cầu trước khi một bên tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng thì phải thông báo cho bên kia bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do tạm dừng hợp đồng; trường hợp không thông báo mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.
Để cụ thể hóa nội dung này, khoản 2 Điều 40 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định các bên tham gia hợp đồng được tạm dừng hợp đồng trong các trường hợp sau:
- Bên giao thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên nhận thầu không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động và tiến độ theo hợp đồng đã ký kết.
- Bên nhận thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng và kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng khi bên giao thầu vi phạm các thỏa thuận về thanh toán, cụ thể như: Không thanh toán đủ cho bên nhận thầu giá trị của giai đoạn thanh toán mà các bên đã thống nhất vượt quá 28 ngày kể từ ngày hết hạn thanh toán theo quy định tại Khoản 10 Điều 19 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; không có bảo đảm thanh toán cho các khối lượng sắp được thực hiện.