ban-an-tranh-chap-hop-dong-mua-ban-hang-hoa-do-ben-mua-khong-nhan-hang-dung-thoi-han

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và quá trình tố tụng, nguyên đơn trình bày:

Theo hợp đồng mua bán hàng hóa số 14503/2020/A-PG ngày 31/3/2020 giữa Công ty cổ phần A (sau đây viết tắt là A) và Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B (sau đây viết tắt là B) thì, A bán cho B số lượng hàng hóa là

500.000 kg ngô hạt Nam Mỹ với đơn giá là 5.550 đồng/kg, tổng giá trị hợp đồng là 2.775.000.000 đồng. Giao hàng tại kho của B ở địa chỉ cụm công nghiệp An Đồng, xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Thời gian giao hàng là trong tháng 7/2020. Hợp đồng quy định rõ trong thời gian giao hàng nếu B

muốn trì hoãn nhận hàng thì phải thông báo trước cho A 05 ngày và phải được A đồng ý. Nếu B trì hoãn việc nhận hàng không được sự chấp thuận của A hoặc đã quá ngày trì hoãn nhận hàng mà B không nhận hàng thì A có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng và yêu cầu B bồi thường toàn bộ thiệt hại. Ngoài ra Hợp đồng còn thỏa thuận về tiền đặt cọc, về phạt vi phạm Hợp đồng và các thỏa thuận khác như đã giao kết trong hợp đồng.

Ngày 03/4/2020, B đã chuyển khoản cho A số tiền 145.000.000 đồng tiền đặt cọc theo hợp đồng, số tiền đặt cọc này là tiền để đảm bảo nghĩa vụ nhận hàng của B. Được coi là tiền trả trước khi hai bên thực hiện đúng, đầy đủ hợp đồng và sẽ được đối trừ vào vào khoản tiền thanh toán lô hàng cuối cùng của hợp đồng.

Đến thời hạn giao hàng cho B, ngày 06/7/2020, A có công văn số 95/CV- BHNL về việc Thông báo kế hoạch giao hàng hóa theo hợp đồng cho B và gửi cho B, theo Thông báo này A sẽ giao toàn bộ 500.000 kg ngô Nam Mỹ như hợp đồng cho B vào ngày 12/7/2020 và ngày 18/7/2020.

Ngày 08/7/2020, bà Phạm Thị D1 - Trưởng phòng bán hàng nguyên liệu của A điện thoại thông báo và nhắc B thực hiện nhận hàng theo thời gian đã nêu trong Thông báo số 95 ngày 06/7/2020 của A. Phía B, bà Nguyễn Thị Thùy C là vợ ông Quách Đại L đã trả lời là không nhận hàng và hủy bỏ hợp đồng ngày 31/3/2020 với A, lý do bà C trình bầy là do sản lượng của B sụt giảm và hàng của B tồn nhiều không bán được. Sau khi bà C thông báo như vậy, A có Thông báo số 96/CV-BHNL ngày 08/7/2020 gửi cho B, nội dung thông báo của A là phản đối việc đơn phương hủy bỏ hợp đồng của B, yêu cầu B thực hiện hợp đồng, nhận hàng đồng thời cũng nêu nếu B đơn phương hủy bỏ hợp đồng, không nhận hàng thì A sẽ áp dụng các chế tài như đã thỏa thuận trong hợp đồng với B. Cũng trong Thông báo này, A đã thông báo cho B biết A sẽ có quyền bán

  1. kg ngô hạt Nam Mỹ mà A đã nhập cho bên thứ ba vào bất kỳ thời điểm nào sau khi B thông báo hủy bỏ hợp đồng với A. Thông báo này cũng đề nghị B phải trả lời bằng văn bản các nội dung A đã nêu trong thông báo số 96 cho A trước ngày 11/7/2020. B không có phản hồi gì đối với Thông báo số 96/CV- BHNL ngày 08/7/2020 của A. Do B không có phản hồi gì nên ngày 15/7/2020, A có Văn bản số 101/CV-BHNL nội dung, A thông báo cho B biết A sẽ bán hàng hóa là 500.000 kg ngô hạt Nam Mỹ theo hợp đồng cho bên thứ ba để giảm thiểu thiệt hại và yêu cầu B gặp A để thương lượng, giải quyết tranh chấp trong ngày 17/7/2020 nhưng B cũng không có ý kiến phản hồi gì với văn bản này của A.

Do B không thực hiện hợp đồng, không có ý kiến phản hồi, không nhận hàng theo hợp đồng nên để giảm thiểu thiệt hại, A đã bán số hàng 500.000 kg ngô hạt Nam Mỹ cho hai công ty là Công ty TNHH sức khỏe vàng và Công ty cổ phần thức ăn Hoa Kỳ thể hiện như hợp đồng và các chứng từ A đã cung cấp theo đơn khởi kiện cho Tòa án. Thời điểm A bán số ngô này cho các bên thứ ba là sau ngày 11/7/2020. Thời điểm A bán hàng cho bên thứ ba giá hàng ngô Nam Mỹ mà A bán đã xuống giá, hàng do A phải nhập khẩu nên phải giải phóng hàng

để giảm thiểu thiệt hại về chất lượng, chi phí lưu kho bãi nên A đã bán giá như trong hợp đồng với bên thứ ba để giảm thiểu thiệt hại. Số tiền thiệt hại là khoản lợi lẽ ra A được hưởng do phải bán hàng để giảm thiểu thiệt hại về giá là 362.000.000 đồng.

Ngày 25/9/2020, A có Công văn số 147/A-BHNL gửi B, nội dung thông báo cho B biết A sẽ khởi kiện B tại TAND huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Lý do A trao đổi với bà C là do bà C là vợ ông L là giám đốc B, bà C là người của công ty B, các hợp đồng trước đây cho đến hợp đồng số14503/2020/A-PG ngày 31/3/2020, A đều làm việc, trao đổi, thực hiện hợp đồng với B thông qua bà C và B không phản đối gì. Tại hợp đồng số 14503/2020/A-PG ngày 31/3/2020, từ thời điểm bà C thông báo đơn phương hủy bỏ hợp đồng cho đến nay B cũng không có thông báo nào về thực hiện hợp đồng, không có ý kiến phản hồi gì với các thông báo của A. Yêu cầu phản tố của B cũng thể hiện là ông L đã biết việc bà C thông báo hủy bỏ hợp đồng với A nhưng ông L không có ý kiến gì, B cũng yêu cầu Tòa án tuyên hủy bỏ hợp đồng số 14503/2020/A-PG ngày 31/3/2020. Vì vậy A xác định B đã vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa với A.

Do B đơn phương hủy bỏ Hợp đồng với A trái pháp luật, gây thiệt hại cho A nên A khởi kiện B với các yêu cầu như sau:

  1. Yêu cầu Tòa án tuyên bố hủy bỏ toàn bộ Hợp đồng mua bán hàng hóa số 14503/2020/A-PG ngày 31/3/2020 giữa Công ty cổ phần A và Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B.

  2. Yêu cầu B phải bồi thường khoản lợi trực tiếp lẽ ra A được hưởng là 362.000.000 đồng.

  3. Phạt vi phạm hợp đồng theo Điều 5 của hợp đồng với giá trị 8% tổng giá trị của hợp đồng là 222.000.000 đồng chẵn.

Tổng số tiền A yêu cầu B phải bồi thường là: 584.000.000 đồng chẵn.

Yêu cầu Tòa án đối trừ số tiền đặt cọc là 145.000.000 đồng của B đã chuyển cho A vào số tiền B phải bồi thường cho A. Số tiền còn lại B phải bồi thường cho A là 584.000.000 đồng – 145.000.000 đồng = 439.000.000 đồng chẵn.

Về yêu cầu phản tố của B, A có quan điểm: A không chấp nhận hoàn trả số tiền 145.000.000 đồng tiền B đã đặt cọc cho A vì B vi phạm hợp đồng và A đã yêu cầu Tòa án đối trừ số tiền này vào số tiền A yêu cầu B phải bồi thường cho A.

Bị đơn và bà Nguyễn Thị Thùy C trình bày:

A và B đã có quan hệ mua bán hàng hóa nhiều lần trước đây với nhau nhưng không có tranh chấp gì. Thông thường khi hai bên ký hợp đồng xong thì B giao cho bộ phận kế toán thực hiện hợp đồng, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc phát sinh thì nhân viên phải báo cáo ngay với Giám đốc công ty là ông L để giải quyết.

Theo hợp đồng mua bán hàng hóa số 14503/2020/A-PG ngày 31/3/2020 giữa A và B thì A bán cho B số lượng hàng hóa là 500.000 kg ngô hạt Nam Mỹ với đơn giá là 5.550 đồng/kg, tổng giá trị hợp đồng là 2.775.000.000 đồng. Giao hàng tại kho của B ở địa chỉ Cụm công nghiệp An Đồng, xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Thời gian giao hàng là trong tháng 7/2020. Hợp đồng quy định rõ thời gian giao hàng, thời gian trì hoãn nhận hàng. Ngoài ra Hợp đồng còn thỏa thuận về tiền đặt cọc, về phạt vi phạm Hợp đồng và các thỏa thuận khác như đã giao kết trong hợp đồng. Sau khi hợp đồng được ký kết, B giao cho Kế toán của công ty là chị Hoa và bà Nguyễn Thị Thùy C trực tiếp trao đổi với A trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu có gì phải báo cáo ngay với Giám đốc.

Quá trình thực hiện hợp đồng, ngày 03/4/2020, B đã chuyển khoản cho A số tiền 145.000.000 đồng tiền đặt cọc theo hợp đồng, số tiền đặt cọc này là tiền để đảm bảo thực hiện hợp đồng và là tiền trả trước khi hai bên thực hiện đúng, đầy đủ hợp đồng và sẽ được đối trừ vào vào khoản tiền thanh toán lô hàng cuối cùng của hợp đồng.

Trước ngày 06/7/2020, A và B có trao đổi trực tiếp với nhau bằng điện thoại, phía B trực tiếp là chị Hoa và bà Nguyễn Thị Thùy C, trong trao đổi này  A thông báo cho B về kế hoạch giao hàng của A theo lịch trình hàng của A đã  về và đề nghị B chuẩn bị nhận hàng. Do thời gian này B chưa thể chuẩn bị được tài chính vì theo Hợp đồng thì B phải trả tiền trước khi nhận hàng nên bà C có thông báo với A là lùi kế hoạch giao hàng lại để B sắp xếp nhận hàng sau nhưng A không nhất trí.

Ngày 06/7/2020, A có công văn số 95/CV-BHNL về việc Thông báo giao hàng cho B và gửi cho B, theo Thông báo này A sẽ giao toàn bộ 500.000 kg ngô Nam Mỹ như hợp đồng cho B vào ngày 12/7/2020 và ngày 18/7/2020. B có thông tin lại qua điện thoại của nhân viên được giao thực hiện hợp đồng là lùi thời gian lại để B sắp xếp được tài chính sẽ nhận hàng trong tháng 7/2020, B không Thông báo hay tuyên bố là chấm dứt hợp đồng hay hủy bỏ Hợp đồng như A nêu. Sau đó, A lại tiếp tục có Thông báo số 96/CV-BHNL ngày 8/7/2020 , Thông báo số 101/CV-BHNL ngày 15/7/2020. Hai Thông báo này, A đã thông báo cho B biết A sẽ có quyền bán 500.000 kg ngô hạt Nam Mỹ mà A đã nhập cho bên thứ ba vào bất kỳ thời điểm nào để giảm thiểu thiệt hại và yêu cầu B  gặp A để thương lượng, giải quyết tranh chấp trong ngày 17/7/2020. Do A không đàm phán tiếp mà đã liên tiếp ra các Thông báo cáo buộc B đơn phương hủy bỏ hợp đồng, A nắm lợi thế đã nhận được tiền đặt cọc của B nên B không có thông báo hay phản hồi gì với A đối với Thông báo số 96 ngày 08/7/2020. Từ khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa số 14503/2020/A-PG ngày 31/3/2020, B cũng không trao đổi gì về việc chấm dứt hay hủy bỏ hợp đồng vì theo B, bằng các Thông báo số 95, 96, 101 như nêu trên, A đã đơn phương hủy bỏ hợp đồng với B rồi. Tháng 9/2020, A thông báo cho B biết A sẽ khởi kiện B.

Về yêu cầu khởi kiện của A, B có quan điểm: B không đơn phương hủy bỏ hợp đồng, thể hiện bằng việc B đã đặt cọc hợp đồng, trong các cuộc điện thoại của B cho A chưa khi nào B tuyên bố hủy bỏ hợp đồng. Trong hợp đồng A lợi thế hơn B là B phải trả tiền trước khi nhận hàng nhưng B vẫn chấp nhận giao kết hợp đồng. Lý do B xin lùi ngày lại theo kế hoạch giao hàng của A là do thời gian này B chưa thể thực hiện thanh toán ngay cho A như hợp đồng được.

Tại điểm 2.4 của Điều 2 Hợp đồng số 14503 ngày 31/3/2020 giữa A và B quy định: Trong thời gian giao hàng, nếu B muốn trì hoãn nhận hàng thì phải thông báo bằng văn bản cho A biết trước năm ngày và được sự chấp thuận của A, số lần B trì hoãn nhận hàng tối đa không quá hai lần, mỗi lần không quá năm ngày, kể từ ngày được bên A chấp thuận.

Thời hạn giao hàng theo hợp đồng là trong tháng 7 năm 2020, ngày 06/7/2020, A có kế hoạch giao hàng thông báo cho B nhưng thông báo này ở mục tiêu đề của Thông báo này lại ghi giao hàng theo Hợp đồng số 4105 chứ không phải hợp đồng số 14503 ngày 31/3/2020 giữa A và B.

Sau đó A lại tiếp tục có Thông báo ngày 08/7/2020, trong Thông báo này A đã cho rằng B vi phạm hợp đồng, đồng thời thông báo sẽ bán hàng cho bên thứ ba trong khi B chưa có thông báo bằng văn bản về việc trì hoãn nhận hàng với A thì bằng thông báo số 96 ngày 08/7/2020, B cho rằng A đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với B. Cũng theo thỏa thuận trong hợp đồng và chính các Thông báo của A thì B nhận hàng trong tháng 7/2020 và theo Thông báo 95 ngày 06/7/2020 thì A giao hàng cho B vào ngày 12/7/2020 và 18/7/2020, nhưng chưa hết thời hạn này thì ngày 09/7/2020 và ngày 11/7/2020 A đã đã bán toàn bộ số hàng 500.000 kg ngô hạt Nam Mỹ cho bên thứ ba.

Với các căn cứ như vậy, B cho rằng A đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật nên B cũng nhất trí hủy hợp đồng mua bán hàng hóa số 14503/2020/A-PG ngày 31/3/2020 giữa A và B.

B không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của A về phạt 8% giá trị hợp đồng và bồi thường thiệt hại như A yêu cầu.

B cho rằng A đã đơn phương hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng trái pháp luật như các nội dung B đã trình bầy ở trên nên B yêu cầu phản tố, yêu cầu A phải trả lại số tiền đặt cọc là 145.000.000 đồng. B không yêu cầu tiền lãi của số tiền này.

Bà Nguyễn Thị L trình bày: Bà là người được A giao thực hiện Hợp đồng mua bán hàng hóa số 14503/2020/A-PG ngày 31/3/2020 giữa A và B, phía B là bà Nguyễn Thị Thùy C, bà L đã Thông báo kế hoạch giao hàng, các công văn 95, 96, 101của A đều đã được gửi cho B bằng tin nhắn qua Zalo, qua email đến Zalo của bà C, emai: phugiahd@gmail.com và đường bưu điện nhưng B không có thông báo hay phản hồi gì.

Tại bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 21 tháng 10 năm 2021, Toà án nhân dân huyện Phù Cừ đã quyết định:

Áp dụng quy định tại các điều 292, 297, 299, 300, 301, 302, 303, 304, 305,

307, 312, 314, 315, 318 và 319 của Luật thương mại; Điều 357, 468 của Bộ luật

dân sự năm 2015; Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 3, 6, khoản 2, 5 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xử:

  1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần A đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B.

Chấp nhận yêu cầu phản tố đòi lại số tiền đặt cọc của Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B đối với Công ty cổ phần A.

Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng mua bán hàng hóa số 14503/2020/A-PG ngày 31/3/2020 giữa Công ty cổ phần A đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B.

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B phải trả cho Công ty cổ phần A số tiền lợi trực tiếp là 362.000.000 đồng, tiền phạt vi phạm hợp đồng là 222.000.000 đồng. Tổng số tiền Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B phải trả cho Công ty cổ phần A là 584.000.000 đồng.

Buộc Công ty cổ phần A phải trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B số tiền đặt cọc là 145.000.000 đồng, nhưng sẽ đối trừ vào số tiền Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B phải trả cho Công ty cổ phần A.

  1. Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B còn phải trả cho Công ty cổ phần A số tiền là: 439.000.000 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên về lãi suất chậm thi hành, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ngày 02 tháng 11 năm 2021, bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết những vấn đề sau:

  1. Về phạt hợp đồng: Xác định lỗi của Công ty A trong việc thực hiện hợp đồng với Công ty B khi bán tháo hàng hóa trước thời điểm giao hàng ghi trong hợp đồng để tính lại tiền phạt hợp đồng mà mỗi bên phải chịu.

  2. Thiệt hại thực tế: Xác định lại mức thiệt hại thực tế khi Công ty A bán hàng cho Công ty Sức khỏe vàng tại cảng Cái Lân – Quảng Ninh và tính lại thiệt hại thực tế mà mỗi bên phải chịu cả 2 hợp đồng theo lỗi từng bên.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người đại diện Công ty A đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người đại diện cho bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định lỗi của A và B là 50/50 và tính lại giá ngô trừ đi

phí vận chuyển trong giá bán. B không yêu cầu định giá lại giá ngô tại thời điểm A bán ngô.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên phát biểu ý kiến:

  • Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, xác định đúng tư cách của những người tham gia tố tụng. Đối với người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của pháp luật.

  • Về nội dung: Sau khi phân tích, đánh giá các tài liệu, chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, nghe quan điểm trình bày của các bên đương sự, quan điểm của Kiểm sát viên. Hội đồng xét xử nhận định như sau:

  1. Về tố tụng: Bị đơn kháng cáo và nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong thời hạn quy định của pháp luật, nên kháng cáo của bị đơn được cấp phúc thẩm xem xét.

  2. Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố và kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử nhận định:

* Đối với yêu cầu của nguyên đơn:

Theo hợp đồng mua bán hàng hóa số 14503/2020/A-PG ngày 31/3/2020 thì hai bên đã xác định rõ hàng hóa, giá hàng hóa, thời gian giao hàng, địa điểm giao hàng và các nội dung khác liên quan như đặt cọc, thời hạn khiếu nại, giải quyết tranh chấp. Sau khi hợp đồng được ký kết, hai bên đều đã giao cho các bộ phận của mình để thực hiện hợp đồng theo cách thức đã thực hiện các giao dịch trước đây giữa hai bên. Trước khi giao hàng, A đã thông báo cho B về thời gian, kế hoạch giao hàng. Ngày 06/7/2020, A có công văn số 95/CV-BHNL, theo Thông báo này A sẽ giao toàn bộ 500.000 kg ngô Nam Mỹ như hợp đồng cho B vào ngày 12/7/2020 và ngày 18/7/2020.

Ngày 8/7/2020, A tiếp tục có Thông báo số 96/CV-BHNL, thông báo cho B biết A sẽ có quyền bán 500.000 kg ngô hạt Nam Mỹ mà A đã nhập cho bên thứ ba vào bất kỳ thời điểm nào, B cũng không có thông báo hay phản hồi gì với A đối với Thông báo số 96 ngày 08/7/2020.

Ngày 15/7/2020, A có Văn bản số 101/CV-BHNL thông báo cho B biết A sẽ bán hàng hóa là 500.000 kg ngô hạt Nam Mỹ theo hợp đồng cho bên thứ ba để giảm thiểu thiệt hại và yêu cầu B gặp A để thương lượng, giải quyết tranh chấp trong ngày 17/7/2020.

Căn cứ theo các thỏa thuận của hai bên tại khoản 2.2, 2.4 Điều 2 của hợp đồng thì A đã thực hiện đúng theo những thỏa thuận của hợp đồng về việc thông

báo thời gian, kế hoạch giao hàng của A cho B.

Khi nhận và biết A đã thông báo về thời hạn gian hàng cụ thể, các biện pháp giảm thiểu thiệt hại của A, B chỉ thông tin là lùi thời gian giao hàng lại chứ không có biện pháp khiếu nại hay thương lượng trực tiếp với A về thời gian nhận hàng cụ thể.

Khi A tiếp tục thông báo cho B biết A sẽ có quyền bán 500.000 kg ngô hạt Nam Mỹ mà A đã nhập cho bên thứ ba vào bất kỳ thời điểm nào để giảm thiểu thiệt hại, B cho rằng A đã đơn phương hủy bỏ hợp đồng nhưng B không có thông báo hay phản hồi gì với A. Như vậy, căn cứ lời trình bày của B và các chứng cứ do A cung cấp thì có căn cứ khẳng định B đã nhận và biết được các Thông báo số 95, 96, 101 của A như nêu trên nhưng B không có phản hồi, khiếu nại gì với các thông báo này của A. B cho rằng đã đề nghị A lùi thời gian giao hàng lại nhưng trong thời gian từ ngày ký kết hợp đồng cho đến hết tháng 7/2020 là hết thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa số 14503/2020/A- PG ngày 31/3/2020 cho đến khi A khởi kiện tại Tòa án, B cũng không thông báo cho A về thời gian nhận hàng cụ thể, mặt khác B cũng không khiếu nại, thông báo hay trao đổi gì với A về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng, chấm dứt hay hủy bỏ hợp đồng này và các biện pháp giải quyết tranh chấp như hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Thời gian giao kết hợp đồng, thời gian bán hàng của A cho bên thứ ba để giảm thiểu thiệt hại đều là sau ngày 08/7/2020.

B cho rằng chưa hết thời hạn giao hàng A đã bán hàng nhưng căn cứ Hợp đồng của A với bên thứ ba thì A ký hợp đồng bán cho Công ty cổ phần thức ăn Hoa Kỳ là ngày 09/7/2020, thời gian giao hàng theo hợp đồng là từ 18/7/2020 đến 25/7/2020. Hóa đơn bán hàng của hợp đồng này thể hiện các ngày 18/7/2020, 20/7/2020, 28/7/2020, 04/8/2020.

Hợp đồng của A với Công ty TNHH Sức khỏe vàng là ngày 11/7/2020, thời gian giao hàng theo hợp đồng là từ 15/7/2020 đến 31/7/2020. Hóa đơn bán hàng của hợp đồng này thể hiện các ngày 20/7/2020, 21/7/2020, 22/7/2020, 23/7/2020.

Căn cứ theo các thỏa thuận của hai bên tại khoản 2.2, 2.4 Điều 2 và khoản

5.2 Điều 5 của hợp đồng thì B đã vi phạm hợp đồng khi không thực hiện đúng các thỏa thuận này là nhận hàng đúng thời gian, tiến độ theo thỏa thuận. Hợp đồng của các bên là hợp đồng mua bán hàng hóa, B đã vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng là nhận hàng, việc vi phạm các bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng theo thỏa thuận tại khoản 2.4 Điều 2 của Hợp đồng và quy định tại khoản 4 Điều 312 của Luật thương mại nên B cho rằng A đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là không có căn cứ mà phải xác định B đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

Do B đã vi phạm hợp đồng, không nhận hàng nên A đã thực hiện việc bán lô hàng 500.000 kg ngô hạt Nam Mỹ cho bên thứ ba để giảm thiểu thiệt hại là đúng quy định tại Điều 305 của Luật thương mại.

Số lượng hàng hóa bán của A cho bên thứ ba là 465.340 kg ngô Nam Mỹ, số lượng này là số lượng hàng giao thực tế và phù hợp với thỏa thuận ± 10% số lượng như trong hợp đồng giữa A với B và A với các bên thứ ba nên xác định số hàng hóa A đã thực bán cho bên thứ ba để giảm thiểu thiệt hại là 465.340 kg chứ không phải 500.000 kg.

Giá bán cho bên thứ ba đã có hóa đơn bán hàng giữa A và bên thứ ba, giá tại thời điểm A bán để hạn chế tổn thất cũng phù hợp với giá của hàng hóa cùng loại trên thị trường như các chứng cứ cung cấp của A và B nên việc bán hàng để giảm thiểu thiệt hại của A là phù hợp. Số tiền A yêu cầu B bồi thường tính theo số lượng hàng thực tế A đã bán cho bên thứ ba để giảm thiểu thiệt hại, căn cứ số lượng hàng hóa đã thực bán, giá cả chênh lệch thì A yêu cầu là trên số lượng hàng thực bán này, cụ thể:

Hợp đồng của A bán cho Công ty cổ phần thức ăn Hoa Kỳ ngày 09/7/2020, thời gian giao hàng theo hợp đồng là từ 18/7/2020 đến 25/7/2020, số lượng hàng là 300.000 kg ngô hạt Nam Mỹ. Hóa đơn bán hàng của hợp đồng này thể hiện các ngày 18/7/2020, 20/7/2020, 28/7/2020, 04/8/2020 với số lượng hàng thực bán là 270.000 kg, giá là 4.820 đồng/kg = 270.000 kg x 4.820 đồng/kg = 1.301.400.000 đồng, theo giá bán cho B là 270.000 kg x 5.550 đồng/kg = 1.498.500.000 đồng. Số lượng này A đã bị giảm về giá là 1.498.500.000 đồng - 1.301.400.000 đồng = 197.100.000 đồng.

Hợp đồng của A với Công ty TNHH Sức khỏe vàng là ngày 11/7/2020, thời gian giao hàng theo hợp đồng là từ 15/7/2020 đến 31/7/2020, số lượng hàng là

200.000 kg ngô hạt Nam Mỹ. Hóa đơn bán hàng của hợp đồng này thể hiện các ngày 20/7/2020, 21/7/2020, 22/7/2020, 23/7/2020 với số lượng hàng thực bán là 195.340 kg, giá là 4.700 đồng/kg = 195.340 kg x 4.700 đồng/kg = 918.098.000 đồng, theo giá bán cho B là 195.340 kg x 5.550 đồng/kg = 1.084.137.000 đồng. Số lượng này A đã bị giảm về giá là 1.084.137.000 đồng – 918.098.000 đồng = 166.039.000 đồng.

Tổng số hàng thực bán, giá khi A bán cho các bên thứ ba bị giảm so với giá bán cho B theo hợp đồng là 197.100.000 đồng + 166.039.000 đồng = 363.139.000 đồng. A yêu cầu B bồi thường là 362.000.000 đồng là đúng với số hàng hóa thực tế đã bán để giảm thiểu thiệt hại.

Căn cứ theo các thỏa thuận của hai bên tại khoản 2.2, 2.4 Điều 2 và khoản

5.2 Điều 5 của hợp đồng thì B đã vi phạm hợp đồng khi không thực hiện đúng các thỏa thuận này là nhận hàng đúng thời gian, tiến độ theo thỏa thuận. Hợp đồng của các bên là hợp đồng mua bán hàng hóa, B đã vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng là nhận hàng, việc vi phạm các bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng theo thỏa thuận tại khoản 2.4 Điều 2 của Hợp đồng và quy định tại khoản 4 Điều 312 của Luật thương mại, do vậy căn cứ các thỏa thuận của hợp đồng xác định B đã đơn phương vi phạm hợp đồng. Vì vậy các yêu cầu về bồi thường của A đối với B về khoản lợi lẽ ra A được hưởng và yêu cầu phạt 08% tổng giá trị hợp đồng là có căn cứ chấp nhận. Căn cứ các điều khoản hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, quy định tại khoản 1, 2, 4 Điều 312, 314 của Luật

thương mại, mặt khác, cả A và B đều yêu cầu hủy bỏ hợp đồng nên Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của A và B: Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng mua bán hàng hóa số 14503/2020/A-PG ngày 31/3/2020 giữa A và B.

* Đối với yêu cầu phản tố và kháng cáo của bị đơn:

Theo Điều 3 của hợp đồng hai bên thỏa thuận nếu bên nhận hàng không nhận hàng thì sẽ mất tiền đặt cọc. Tuy nhiên dù xác định lỗi là của bị đơn trong việc không nhận hàng nhưng phía nguyên đơn không yêu cầu số tiền đặt cọc này mà chỉ yêu cầu đối trừ số tiền này vào tiền bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn nên chấp nhận yêu cầu của bị đơn nhưng sẽ đối trừ số tiền này vào số tiền bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn.

Vì vậy căn cứ theo khoản 2.2, 2.4 Điều 2 và khoản 5.2 Điều 5 của hợp đồng, các quy định tại các Điều 292, 297, 299, 300, 301, 302, 303, 304, 305,

307, 312, 314, 315, 318 và 319 của Luật thương mại; Điều 357, 468 của Bộ luật dân sự năm 2015. Hội đồng xét xử thấy cần chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu phản tố của bị đơn trong việc yêu cầu hủy bỏ toàn bộ hợp đồng mua bán hàng hóa số 14503/2020/A-PG ngày 31/3/2020 giữa A và B.

Tuy nhiên: Do B đã vi phạm hợp đồng, không nhận hàng nên A đã thực hiện việc bán lô hàng 500.000 kg ngô hạt Nam Mỹ cho bên thứ ba để giảm thiểu thiệt hại là đúng quy định tại Điều 305 của Luật thương mại. Mặt khác, giá bán cho bên thứ ba đã có hóa đơn bán hàng giữa A và bên thứ ba, giá tại thời điểm A bán để hạn chế tổn thất cũng phù hợp với giá của hàng hóa cùng loại trên thị trường như đã phân tích ở trên. Tại phiên tòa phúc thẩm B không yêu cầu định giá lại để xác định giá ngô mà A đã bán cho bên thứ ba nên có căn cứ xác định  A đã bán ngô cho bên thứ ba là đúng giá thị trường tại thời điểm tháng 7/2020.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định B phải trả cho A các khoản tiền gồm: Khoản lợi trực tiếp lẽ ra A được hưởng là 362.000.000 đồng, phạt vi phạm hợp đồng theo Điều 5 của hợp đồng với giá trị 8% tổng giá trị hợp đồng là: 2.775.000.000 đồng x8% = 222.000.000 đồng. Tổng số tiền B phải bồi thường cho A là: 584.000.000 đồng chẵn. A phải trả cho B số tiền đặt cọc là 145.000.000 đồng nhưng sẽ đối trừ vào số tiền B phải bồi thường cho A. Sau khi đối trừ, B còn phải bồi thường cho A số tiền là: 439.000.000 đồng chẵn là đúng quy định của pháp luật.

Từ những phân tích nêu trên, xét thấy: Không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn, Công ty B. Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên có căn cứ chấp nhận.

  1. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét.

  2. Về án phí: Do kháng cáo của Công ty B không được chấp nhận nên Công ty B phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định của

pháp luật.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH về án phí, lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

Không chấp nhận kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B. Giữ nguyên bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 07/2021/KDTM- ST ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

Áp dụng quy định tại các điều 292, 297, 299, 300, 301, 302, 303, 304, 305,

307, 312, 314, 315, 318 và 319 của Luật thương mại; Điều 357, 468 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

  1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần A đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B.

Chấp nhận yêu cầu phản tố đòi lại số tiền đặt cọc của Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B đối với Công ty cổ phần A.

Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng mua bán hàng hóa số 14503/2020/A-PG ngày 31/3/2020 giữa Công ty cổ phần A đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B.

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B phải trả cho Công ty cổ phần A số tiền lợi trực tiếp là 362.000.000 đồng, tiền phạt vi phạm hợp đồng là 222.000.000 đồng. Tổng số tiền Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B phải trả cho Công ty cổ phần A là 584.000.000 đồng.

Buộc Công ty cổ phần A phải trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B số tiền đặt cọc là 145.000.000 đồng nhưng sẽ đối trừ vào số tiền Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B phải trả cho Công ty cổ phần A.

  1. Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B còn phải trả cho Công ty cổ phần A số tiền là: 439.000.000 đồng (Bốn trăm ba mươi chín triệu đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

  1. Về án phí: Công ty trách nhiệm hữu hạn thức ăn chăn nuôi B phải chịu

2.000.000 đồng (hai triệu đồng) án phí phúc thẩm, được đối trừ số tiền tạm ứng

án phí Công ty B đã nộp tại biên lai thu số: 0006038 ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

  1. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.