HƯỚNG DẪN THỦ TỤC CHO VIỆT KIỀU MUA NHÀ ĐẤT TẠI VIỆT NAM
I. Việt Kiều là gì?
Điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định về người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau: "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.".
Theo Khoản 4, Điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008: "Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.".
Căn cứ theo quy định trên, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay còn gọi là Việt kiều gồm hai nhóm sau:
- Việt kiều là công dân Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài;
- Việt kiều là người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
II. Lợi ích của mua nhà đất tại Việt Nam
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định như sau:
– Được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (mua đất) trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu chế xuất.
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở (mua đất ở) thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.
Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (mua đất) tại Việt Nam nhưng bị giới hạn theo khu vực và chỉ được nhận chuyển nhượng một số loại đất nhất định.
Căn cứ khoản 2 Điều 186 Luật Đất đai 2013, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ hồng, Sổ đỏ).
III. Điều kiện để được mua nhà đất tại Việt Nam
Tại Điều 7, Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 2, Điều 5, Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Cụ thể, Việt kiều là một trong những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Việt kiều phải có nhà ở hợp pháp tại Việt Nam thông qua các hình thức sau:
-
Mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản);
-
Mua, nhận đổi, nhận tặng cho nhà ở, nhận thừa kế nhà ở của cá nhân, hộ gia đình;
-
Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán đất nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định.
Về điều kiện cần đáp ứng để Việt kiều mua nhà ở việt nam, Khoản 1, Điều 8, Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 2, Điều 5, Nghị định 99/2015/ND-CP quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi mua bất động sản tại Việt Nam cần có các loại giấy tờ sau đây:
-
Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì hộ chiếu đó phải còn giá trị và có đóng dấu nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu.
-
Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì hộ chiếu đó phải còn giá trị, có đóng dấu nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu.
IV. Các giấy tờ cần nộp để được mua nhà đất tại Việt Nam
Việt Kiều muốn mua nhà tại Việt Nam cần chuẩn bị những tài liệu/giấy tờ sau:
+ Hộ chiếu/giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam, gốc Việt Nam.
+ Giấy đăng ký kết hôn (trường hợp đã kết hôn); hoặc Giấy xác nhận độc thân (trường hợp đang độc thân hoặc đã ly hôn);
V. Thủ tục mua nhà đất tại Việt Nam
Để mua nhà đất tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ thực hiện theo trình tự các bước sau đây:
Bước 1: Chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tức hộ chiếu còn giá trị.
- Giấy xác nhận nơi cư trú do cơ quan công an phường, xã, thị trấn có thẩm quyền cấp. Nếu có Thẻ thường trú, Hộ khẩu thì cung cấp bản chụp có chứng thực sao y bản chính hoặc bản chụp kèm bản chính để đối chiếu.
Bước 2: Xác định loại bất động sản mà Việt kiều muốn mua theo quy định của pháp luật Việt Nam thuộc diện Việt kiều được quyền sở hữu.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Việt kiều được sở hữu các loại bất động sản như: Nhà ở thương mại, nhà ở riêng lẻ (nhà phố) và được quyền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Kiểm tra giấy tờ pháp lý của bất động sản
- Nhà ở riêng lẻ (nhà phố):
Kiểm tra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.
- Nhà ở hình thành trong tương lai:
- Kiểm tra biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng;
- Văn bản cho phép bán, cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai;
- Hợp đồng bảo lãnh.
- Nhà ở thương mại (nhà ở trong dự án):
- Sổ đỏ của cả khu đất thực hiện dự án.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh bất động sản.
- Giấy phép đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.
- Hồ sơ chứng từ chứng minh hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư.
- Giấy phép xây dựng; các giấy phép khác liên quan đến việc xây dựng.
- Hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền.
Bước 4: Ký hợp đồng đặt cọc (nếu có) và thanh toán tiền cọc.
Bước 5: Ký và công chứng hợp đồng mua bán nhà đất.
Bước 6: Làm thủ tục sang tên và nộp các loại thuế, phí theo quy định.
VI. Nộp hồ sơ mua nhà đất tại Việt Nam
Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ các loại giấy tờ nêu trên, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam nộp hồ sơ trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người nộp hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất thuộc UBND huyện hoặc UBND Tỉnh, thành phố.
VII. Thời gian giải quyết mua nhà đất tại Việt Nam
Thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ chuyển nhượng nhà đất.
VIII. Phí, thuế và lệ phí mua nhà đất tại Việt Nam
- Thuế thu nhập cá nhân khi mua bán nhà, đất: là 2% trên giá mua bán, chuyển nhượng. Bên bán/ chuyển nhượng có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân.
- Lệ phí trước bạ khi mua bán nhà, đất: 0,5% trên giá mua bán, chuyển nhượng. Bên mua có nghĩa vụ nộp lệ phí trước bạ.