Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý khi đáp ứng đủ ba điều kiện cơ bản sau đây:

  • Người tham gia ký kết có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
    Năng lực hành vi dân sự được hiểu theo Điều 17 Bộ luật dân sự năm 2005 như sau: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”.
  • Đáp ứng các nguyên tắc ký kết hợp đồng quy định tại Điều 4 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP;
  • Hình thức hợp đồng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật.

Về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng xây dựng, tại khoản 2 Điều 139 Luật xây dựng năm 2014 có quy định: Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng xây dựng là thời điểm ký kết hợp đồng hoặc thời điểm cụ thể khác do các bên hợp đồng thỏa thuận.

Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể quy định của khoản 2 Điều 139 Luật xây dựng năm 2014 như sau: Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng xây dựng là thời điểm ký kết hợp đồng (đóng dấu nếu có) hoặc thời điểm cụ thể khác do các bên hợp đồng thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng và bên giao thầu đã nhận được bảo đảm thực hiện hợp đồng của bên nhận thầu (đối với hợp đồng có quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng).