Căn cứ Điều 3 Nghị định số 129/2013/NĐ – CP ngày 16 -10 – 2013, các hành vi vi phạm hành chính về thuế có thể bị xử lý bằng hai hình thức sau:

  • Phạt cảnh cáo: Phạt cảnh cáo áp dụng đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.
  • Phạt tiền:
    • Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế: 
      • Phạt tiền tối đa không quá 200 triệu đồng đối với người nộp thuế là tổ chức có hành vi vi phạm thủ tục thuế. Mức phạt tiền tối đa đối với người nộp thuế là cá nhân có hành vi vi phạm thủ tục thuế bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
      • Mức phạt tiền quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8 và Điều 9 Nghị định 129/2013/NĐ – CP là mức phạt tiền áp dụng đối với người nộp thuế là tổ chức, đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với người nộp thuế là hộ gia đình áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.
      • Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm thủ tục thuế là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó; Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế thì mỗi tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 20% mức phạt trung bình của khung phạt tiền.
      • Khi xác định mức phạt tiền đối với người nộp thuế vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì xem xét giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng. Sau khi giảm trừ theo nguyên tắc trên, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung phạt tiền, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung phạt tiền.
    • Đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn: Phạt 20% số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, áp dụng đối với người nộp thuế là tổ chức và cá nhân.
    • Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế: Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn, gian lận. Mức phạt tiền quy định tại Điều 11 Nghị định số 129/2013/NĐ – CP là mức phạt tiền áp dụng đối với người nộp thuế là tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt áp dụng đối với tổ chức.
    • Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 129/2013/NĐ – CP: Tổ chức tín dụng không thực hiện trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản ngân sách nhà nước đối với số tiền thuế, tiền chậm nộp thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt phải nộp của người nộp thuế theo Quyết định cưỡng chế của cơ quan Thuế.