Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn được cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo để thay thế biện pháp tạm giam.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, CQĐT, VKSND hoặc TAND có thể cho cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh bị can, bị cáo nói chung và bị can, bị cáo chưa thành niên nói riêng.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) hiện hành cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ nhưng với điều kiện ít nhất phải có hai người. Ví dụ: Cha mẹ có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là con chưa thành niên của mình, ông bà có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là cháu chưa thành niên của mình, anh chị có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là em chưa thành niên của mình…

Tuy nhiên, pháp luật TTHS cũng đòi hỏi cá nhân nhận bảo lĩnh phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Ngoài ra, tổ chức cũng có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Đối với người chưa thành niên là đoàn viên thanh niên thì tổ chức Đoàn thanh niên có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình.

Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của CQĐT, VKSND hoặc TAND. Việc cá nhân nhận bảo lĩnh phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức.

Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.