CẢNH GIÁC THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO THÔNG QUA HÌNH THỨC CHO VAY TIỀN QUA MẠNG

Chắc hẳn, thời gian gần đây, khi sử dụng mạng xã hội người dùng sẽ gặp không ít những bài đăng bài quảng cáo về việc cho vay tiền qua mạng. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền, giải ngân nhanh trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhưng thông qua những chiêu trò quảng cáo “có cánh” những người đi vay vẫn sập bẫy, để rồi họ bị chiếm đoạt từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Qua thực tiễn tiếp nhận tư vấn cho hàng loạt những trường hợp bị lừa đảo thông qua hình thức cho vay nói trên, để giúp mọi người nâng cao cảnh giác, nhận biết các trường hợp lừa đảo và cách giải quyết khi đã bị các đối tượng cho vay lừa đảo, Luật Vạn Tín gửi lời cảnh giác đến quy bạn đọc hành vi lừa đảo trên qua bài viết sau đây

Làm thế nào để nhận diện thủ đoạn lừa đảo thông qua hình thức cho vay tiền qua mạng?

Các đối tượng lừa đảo trên mạng thường dùng những lời mời, chào vay tiền một cách nhanh chóng, dễ dàng như: vay không lãi suất, giải ngân trong ngày, thủ tục nhanh gọn. Lúc đầu người vay chỉ cần đóng một khoản tiền nhỏ để làm thủ tục vay tuy nhiên sau đó tùy vào các trường hợp lừa đảo các đối tượng lừa đảo trên có thể đưa ra các lý do hoặc các “thủ tục” khác để buộc người vay nộp tiền “bảo lãnh” cho khoản vay. 

Điền hình như vụ việc của chị P, khi sử đang sử dụng mạng xã hội chị P bắt gặp thông tin quảng cáo về việc cho vay không lãi suất với nội dung như sau:

“ Hỗ trợ vay vốn ngân hàng

Liên hệ kết bạn zalo  0877.***.***

Đăng ký online – Nhận tiền trong ngày 

– Không App – Không thế chấp tài sản

Hỗ trợ bao gồm hồ sơ cho nợ xấu và nợ chú ý

Uy tín bao đậu 100% - Lãi suất thấp 

…”

Do đang cần tiền gấp nên khi thấy bài đăng trên, chị P đã liên hệ với đối tượng lừa đảo qua Zalo và nhắn tin vay số tiền là 30.000.000 đồng. Sau đó đối tượng này yêu cầu chị P chụp các giấy tờ tùy thân như CCCD kèm ảnh chân dung, cung cấp số điện thoại và số tài khoản nhận giải ngân để làm “hồ sơ vay”. Ngay sau khi chị P chụp và cung cấp đầy đủ thông tin đối tượng trên chỉ yêu cầu chị P nộp phí để giải ngân là 500.000 đồng. Sau khi chị P chuyển khoản đủ 500.000 đồng, đối tượng trên tiếp tục yêu cầu chị P đóng bảo hiểm cho khoản vay và 8.200.000 đồng hứa không phát sinh chi phí nào thêm và hẹn chị P đúng 14h chiều đến ngân hàng ABC làm thủ tục vay. Tuy nhiên, đến hẹn chị P liên lạc nhưng đối tượng này đã chặn Zalo chị P lúc này chị P mới biết là mình bị lừa.

Một trường hợp tương tự khác của em C (16 tuổi), cũng qua việc đọc được một bài đăng quảng cáo vay khác trên mạng xã hội với nội dung cho vay lãi suất thấp và thủ tục nhanh chóng. Do đang cần tiền gấp và thiếu hiểu biết nên em C đã nhanh chóng “ sập bẫy”. ngay sau khi thấy thông tin bài đăng, em C liên hệ với chủ tài khoản đăng bài quá Facebook và yêu cầu được vay số tiền là 400.000.000, đối tượng lừa đảo trên yêu cầu em C nộp khoản tiền là 400.000 đồng để giải ngân và đưa ra hàng loạt các khoản tiền để đảm bảo cho việc giải ngân khác. Tuy nhiên, do em không có nhiều tiền nên em đã yêu cầu hủy khoản vay. Sau một khoảng thời gian, kể từ khi em C hủy hoản vay, nắm bắt được việc em C còn nhỏ chỉ mới 16 tuổi, thiếu hiểu biết nên đối tượng trên yêu cầu em C trả tiền lãi hàng tháng vì gói vay trước đó chưa hủy và ngân hàng đã giải ngân cho em C rồi cùng với những lời lẽ dọa nạt rằng nếu không trả sẽ cho người đến nhà em C, mặc dù trên thực tế em C chưa nhận được khoản tiền vay nào từ ngân hàng. 

Cách phòng tránh bị lừa qua hình thức cho vay vốn trên mạng xã hội?

Như vậy, qua các trường hợp trên có thể thấy mọi người cần đề co cảnh giác với các quảng cáo hay bài đăng cho vay trên mạng xã hội. Khi có nhu cầu vay vốn, mọi người nên tìm đến đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính uy tín (ngân hàng, công ty tài chính...) để được hỗ trợ làm thủ tục vay theo đúng quy định pháp luật, nhằm tránh bị kẻ xấu lừa đảo. 

Trường hợp thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất để được giải quyết, xử lý kịp thời. Đặc biệt, người dân không nên đăng ký vay tiền qua các app hay website, mạng xã hội; không chuyển tiền dưới hình thức nào theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo.

Cần làm gì khi bị lừa tiền thông qua hình thức vay vốn qua mạng?

Khi bị lừa đảo, người bị hại nên làm đơn tố giác đến cơ quan công an điều tra nơi bị hại cư tru hoặc thường trú ( công an quận, huyện nơi cư trú hoặc thường trú)  để được hướng dẫn và giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Người vị hại cần chuẩn bị hồ sơ tố giác tội phạm bao gồm:

  • Đơn trình báo công an;

  • CMND/CCCD/Hộ chiếu của bị hại (bản sao công chứng);

  • Sổ hộ khẩu của bị hại (bản sao công chứng).

  • Chứng cứ liên quan để chứng minh (hình ảnh, ghi âm, video,… có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội).

Đồng thời, trước khi làm đơn tố giác người bị hại cần đảm bảo có thể thu thập được chứng cứ liên quan đến hành vi lừa đảo và thông tin của app lừa đảo hoặc đối tượng lừa đảo (nếu có thông tin). Người bị hại có thể chụp lại tin nhắn trao đổi liên quan đến giao dịch cho vay tiền, biên lai chuyển tiền... để gửi kèm đơn tố giác.

Ngoài ra, người bị hại còn có thể thông tin, trình báo lừa đảo qua đường dây nóng của cơ quan Công an. 

Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dùng internet có thể tố cáo hoặc trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội https://www.facebook.com/ConganThuDo

Đối với người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng 08.3864.0508 để thông tin, trình báo về chiếm đoạt tài sản, lừa đảo qua mạng.

Ngoài ra, người dân có thể báo cáo các trường hợp lừa đảo qua đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao 069.219.4053 hoặc địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn. của Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.