Tổng cục thuế nhận được Công văn số 1121/VTQĐ-TC ngày 03/04/2013 và Công văn số 3360/VTQĐ-TC ngày 05/11/2012 của Tập đoàn viễn thông Quân Đội (Viettel) đề nghị hướng dẫn vướng mắc về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ và điều chỉnh doanh thu tính thuế GTGT. Về vấn đề này, sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Tài chính, Tổng cục thuế có ý kiến như sau:
- Tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/09/2010 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ hướng dẫn về lập hóa đơn như sau:
- “ a) Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chỉ được lập và giao cho người mua hàng hóa, dịch vụ các loại hóa đơn hướng dẫn tại thông tư này.
- b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa.
- Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không tẩy xóa, sửa chữa; phải cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có).
- c) Hóa đơn được lập một lần thành nhiều liên. Nội dung lập trên hóa đơn phải được thống nhất trên các liên hóa đơn có cùng một số.
- d) Hóa đơn được lập theo thứ tự liên tục từ số nhỏ đến số lớn”.
Theo trình bày của Tập đoàn viễn thông Quân Đội (Viettel) thì Viettel cung cấp dịch vụ thanh toán cước điên thoại thoại cho khách hàng, khách hàng thanh toán cước trả sau bằng hình thức gián tiếp qua thẻ cào (pay199, USSD, anypay, topup, loginfail, webportal). Khi bán thẻ cào cho khách hàng, Viettel đã xuất hóa đơn, hạch toán doanh thu và kê khai thuế GTGT, do đó Viettel không phải giao hóa đơn tương ứng với cước dịch vụ đã sử dụng cho khách hàng, đảm bảo khách hàng chỉ nhận hóa đơn 1 lần khi mua thẻ cào.
Nhằm tiết kiệm tài nguyên hóa đơn, đơn giản hóa việc quản lý và báo cáo hóa đơn, Tổng cụ Thuế nhất trí với đề xuất của Tập đoàn viễn thông Quân Đôi (Viettel) được thực hiện như sau:
- Đối với doanh thu cước trả sau thanh toán bằng hình thức gián tiếp qua thẻ cào, khách hàng đã nhận hóa đơn, khi mua thẻ cào thì có thể lập hóa đơn tổng ghi nhận doanh thu và Bảng kê chi tiết, căn cứ hóa đơn tổng đề hạch toán doanh thu, kê khai nộp thuế GTGT đầu ra.
- Đối với doanh thu trả sau thanh toán bằng hình thức gián tiếp qua thẻ thẻ cào, nếu Viettel khi bán thẻ trả trước đã hạch toán doanh thu, kê khai nộp thuế GTGT thì hàng tháng Viettel căn cứ Bảng kê chi tiết cước dịch vụ viễn thông cước trả sau được thanh toán bằng thẻ trả trước trong kỳ để điều chỉnh giảm doanh thu cung cấp dịch vụ chịu thuế GTGT, thuế GTGT phải nộp.
- Đối với doanh thu cước trả sau thanh toán bằng hình thức gián tiếp qua thẻ cào Viettel đã được thay thế liên 1 hóa đơn bằng bảng kê chi tiết số hóa đơn đã lập. Bảng kê được lưu giữ cùng với hóa đơn để cơ quan thuế kiểm tra, đối chiếu khi cần thiết. Viettel phải đảm bảo đầy đủ các thông tin chi tiết trên bảng kê, được thay thê liên 1 hóa đơn bằng Bảng chi tiết số hóa đơn đã lập. Chi tiết mỗi số hóa đơn đã lập liên giao khách hàng dược thể hiện trên một dòng của Bnagr kê với đầy đủ các tiêu thức như: Tên, địa chỉ khách hàng; Mã khách hàng; Mã số thuế (đối với khách hàng có mã số thuế); Số hóa đơn; Ngày lập hóa đơn; tiền dixhj vụ chưa có thuế GTGT; Thuế GTGT; Tổng cộng tiền thanh tra (đã có thuế GTGT).
Trên bảng kê phải có các tiêu thức: Tên đơn vị lập hóa đơn; Mã số thuế; Kỳ tính tiền cước dịch vụ; Ngày, tháng, năm lập bảng kê; Cộng số lượng hóa đơn trong một bảng kê.
Tập đoàn viễn thông Quân Đội (Viettel) chịu trách nhiệm pháp lý chính xác của các nội dung trên hóa đơn tổng và Bảng kê chi tiết cước dịch vụ trả sau được thanh toán bằng thẻ cào đối với từng khách hàng.