Theo quy định về quyền về nhân thân của công dân được quy định trong Bộ luật Dân sự cũng như quy định tại Điều 57 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn.

Trong những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trậnTổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho cho thành viên của tổ chức mình:

  • Bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật Hình sự.
  • Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Trong các trường hợp quy định như đã nêu trên thì bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên tổ chức mình.

Trường hợp bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa và theo yêu cầu của Toà án, Văn phòng luật sư đã cử người bào chữa cho họ hoặc Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của mặt trận đã cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho thành viên của tổ chức mình, thì Toà án phải thông báo cho bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất biết. Việc thông báo có thể bằng văn bản riêng, có thể được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Trước khi mở phiên toà, bị can, bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì người có yêu cầu phải làm văn bản trong đó cần ghi rõ lý do yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa. Trường hợp họ trực tiếp đến Toà án thay đổi hoặc từ chối người bào chữa thì Toà án phải lập biên bản ghi rõ lý do của yêu cầu từ chối hoặc thay đổi người bào chữa và người có yêu cầu phải ký vào biên bản. Văn bản này phải được lưu vào trong hồ sơ vụ án.