Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định từ Điều 318 đến Điều 373 Bộ luật dân sự năm 2005 bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản (bao gồm cả cầm cố, thế chấp bằng tài sản của người thứ ba), đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh và tín chấp. Theo các quy định của pháp luật hiện hành thì các bên trong hợp đồng có quyền tự chủ, tự do cam kết và tự do thoả thuận đồng thời các bên cũng phải tự chịu trách nhiệm đối với các cam kết, thoả thuận của mình. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các quy định về giao kết, thực hiện hợp đồng cầm cố, thế chấp và bảo lãnh. Các bên có thể linh hoạt hơn và tự chủ hơn trong việc xử lý các tình huống phát sinh, cụ thể như sau:

  • Về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: các bên được toàn quyền thoả thuận về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Nếu các bên không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì nghĩa vụ coi như được đảm bảo toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại. Đồng thời, các bên cũng có quyền thoả thuận về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để bảo đảm thực hiện các loại nghĩa vụ, không chỉ nghĩa vụ hiện tại mà còn nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.
  • Về tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ:
    • BLDS thể hiện quan điểm là về nguyên tắc mọi tài sản đều có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trừ một số trường hợp mà pháp luật cấm. Trước hết, vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và được phép giao dịch. Vật ở đây có thể là vật hiện có hoặc vật được hình thành trong tương lai. Nếu là vật hình thành trong tương lai thì vật đó phải là động sản, bất động sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết. Ngoài các tài sản thông thường như đất đai, nhà cửa, phương tiện giao thông… thì các tài sản khác như tiền, trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu và giấy tờ có giá khác cũng được dùng làm tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
    • Ngoài các tài sản nói trên thì các quyền tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm cũng có thể trở thành tài sản bảo đảm, bao gồm: quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm. Quyền sử dụng đất và quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
  • Về vấn đề một tài sản dược dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ:
    • Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ nếu giá trị của tài sản đó tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp này bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Trong trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn cũng được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thoả thuận khác. Trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thoả thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.
    • Trong số các biện pháp thực hiện nghĩa vụ dân sự thì các biện pháp cầm cố và thế chấp thường được các bên áp dụng nhiều nhất. Do đó, BLDS đã quy định rất cụ thể về vấn đề này. BLDS thể hiện quan điểm bên cầm cố, thế chấp tuy bị hạn chế một số quyền nhưng họ cũng có những quyền tự chủ nhất định, nhất là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, bên thế chấp có quyền được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp theo thoả thuận của các bên; được đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp; được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp bán tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền và số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán; được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh nếu được bên nhận thế chấp đồng ý; được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.